THIẾT KẾ WEBSITE TẠI PHÚ THỌ
Đời sống

Hiệu quả “không ngờ” từ việc trồng măng tây trên đất ruộng khan ở Phú Thọ

Phú Thọ – Những năm qua, mô hình trồng măng tây xanh trên các đồng ruộng khan nước ở xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục người dân địa phương.

Hiệu quả "không ngờ" từ việc trồng măng tây trên đất ruộng khan ở Phú Thọ
Những luống măng tây xanh mơn mởn trên ruộng khan nước ở xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê. Ảnh: Tô Công

Rau “hoàng đế” hợp đất cằn

Như mọi ngày khác, công việc của chị Nguyễn Thị Lâm – công nhân Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Bắc bộ là thức dậy từ 4 giờ sáng, cùng với những công nhân khác thu hoạch măng tây để kịp sơ chế, đóng gói và phân phối đi các tỉnh thành của miền Bắc.

Sau một đêm, măng tây dài lên trông thấy, ở những thời điểm phát triển tốt nhất, 1 đêm ngọn măng tây có thể dài tới 15cm. Trước kia, chẳng ai có thể nghĩ đến, những đồng ruộng khan nước ven các sườn đồi của xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê lại có thể trồng được loại rau mà người ta ví là rau “hoàng đế” này.

“Trước kia, những đồng ruộng khan nước ở khu Dốc Ngát, xã Chương Xá có trồng lúa, các loại rau, cây ngắn ngày, nhưng đất ở đây khó canh tác, nhiều cỏ dại, thường xuyên mất mùa, cuộc sống của người nông dân gắn bó với đồng ruộng gặp nhiều khó khăn” – chị Lâm hồi tưởng lại.

Theo chị Lâm, thời điểm đó, người dân không còn quá “mặn mà” với đồng ruộng, diện tích đất nông nhàn cũng vì thế mà càng lúc càng nhiều.

 
 Những đồng ruộng bỏ hoang nhiều năm ở khu Dốc Ngát, xã Chương Xá nay đã trở nên xanh tốt sau khi trồng măng tây.

Nhận thấy sự lãng phí đất nông nghiệp, cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ xã Chương Xá đã nghiên cứu, trồng thử măng tây xanh trên diện tích đất này.

Ban đầu, diện tích đất dồn đổi được gần 3ha, với chi phí ban đầu khoảng 700 triệu đồng, bao gồm tiền mua giống, cải tạo đất, phân bón, hệ thống phun nước tự động, nhân công…

Nhờ nghiên cứu, nắm chắc kỹ thuật, hiểu được đặc tính của cây măng tây, những luống măng của HTX đã sinh trưởng và phát triển tốt, sau 8 tháng gieo trồng đã được thu hoạch, sản phẩm măng tây của HTX được người dùng ưa chuộng, “cung không đủ cầu”, giá măng tây từ trước đến nay dao động ở mức ổn định khoảng 50.000 – 70.000 đồng/kg.

Thời gian sau đó, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng HTX vẫn phát triển quy mô qua từng năm, đến nay, diện tích trồng măng tây đã lên tới 16ha, tạo công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng cho hàng chục người lao động địa phương.

Từ diện tích ban đầu (năm 2019) chỉ 3ha, nay quy mô HTX trồng măng tây đã lên tới 16ha.
Từ diện tích ban đầu (năm 2019) chỉ 3ha, nay quy mô HTX trồng măng tây đã lên tới 16ha.

Mở rộng diện tích

Trò chuyện với phóng viên, bà Đinh Thị Tâm, công nhân của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ cho biết, trước khi đi làm công nhân của HTX, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, sống dựa vào “cây sắn, cây ngô”, khi không được mùa là không đủ tiền để trang trải cuộc sống.

“Công việc của người nông dân như tôi ở đây cũng giống như trước kia, cũng là làm cỏ, chăm bón vườn rau, đồng ruộng… Nhưng hiện giờ tôi có thu nhập đều đặn hàng tháng, cuộc sống được cải thiện hơn trước nhiều” – bà Tâm bộc bạch.

Theo chị Nguyễn Thị Hằng – Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ: “Việc trồng măng tây theo hướng nông nghiệp hữu cơ không chỉ khiến sản phẩm bán ra đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng, mà còn khiến măng tây khi đến kỳ thu hoạch đẹp về mẫu mã với màu xanh đậm, sau khi chế biến có độ giòn, vị ngọt đặc trưng” – chị Hằng chia sẻ.

Ngoài thời gian 8 tiếng làm việc tại HTX, các công nhân cũng phát triển kinh tế từ nông nghiệp, chăn nuôi tại nhà để có thêm thu nhập.
Ngoài thời gian 8 tiếng làm việc tại HTX, các công nhân cũng phát triển kinh tế từ nông nghiệp, chăn nuôi tại nhà để có thêm thu nhập.

Hiện tại, sản phẩm măng tây của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP đặc thù 3 sao, đang được phân phối cho các công ty xuất nhập khẩu nông sản, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh rau củ quả sạch tại một số tỉnh thành phía bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng…

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Đỗ Hữu Huy – Chủ tịch UBND xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê cho biết, thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, các cấp đều đang vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập.

“Đối với măng tây, địa phương sẽ tập trung phát triển, mở rộng quy mô gieo trồng, hướng tới trở thành sản phẩm đặc thù của địa phương. Với quy mô 3ha trồng măng tây ban đầu (2019), nay đã lên tới hơn 16ha năm 2022” – ông Huy chia sẻ.

Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/hieu-qua-khong-ngo-tu-viec-trong-mang-tay-tren-dat-ruong-khan-o-phu-tho-1086145.ldo

Phutho247

PhuTho247 là Blog chia sẻ tin tức chọn lọc. Tất cả các bài viết đều được ghi rõ nguồn. PhuTho247 không chịu trách nhiệm về các bài viết trên PhuTho247.com

Bài viết liên quan

Back to top button