Những ngày cuối năm 2024, tin vui đã đến khi bộ phim ngắn mang tên ‘Escaping Poverty: A Story of a Muong Woman Supported by TYM’ được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của chị Bùi Thị Thu Huyền, một phụ nữ dân tộc Mường sống tại Thanh Sơn, Phú Thọ, đã đạt giải tại Liên hoan phim quốc tế SineMaya 2024. Bộ phim gây ấn tượng khi chị Huyền và các thành viên trong gia đình tự đóng vai chính, mang đến cảm xúc chân thực và sâu sắc.
Từ ước mơ có nguồn vốn nho nhỏ để thoát nghèo…
Ngôi nhà khang trang mới xây của gia đình người phụ nữ dân tộc Mường Bùi Thị Thu Huyền nằm trong khu Ngọc Đồng, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, bao quanh là đồi chè, ao cá và vườn cây ăn quả của gia đình. Ít ai biết rằng, mới đây thôi họ vẫn đang sống trong ngôi nhà “trên căng bạt, dưới che nồi, che xoong”.
Chị Huyền kết hôn khi cả hai vợ chồng mới tròn 20 tuổi và chưa có công ăn việc làm ổn định. Cưới nhau về hai anh chị không có lấy một đồng vốn nào để làm ăn, vì vậy chỉ quanh quẩn ở nhà làm nông, nuôi vài con gà và chăm con nhỏ. Sức khỏe không tốt khiến chị Huyền không thể lao động nặng, không những vậy hầu như tháng nào chị cũng phải đi bệnh viện để khám và lấy thuốc. Thu nhập hàng tháng không đủ giúp anh chị trang trải cuộc sống nên tròn 10 năm kết hôn là 10 năm thuộc diện hộ nghèo của địa phương.
Gia đình khó khăn, con cái nheo nhóc, anh chị lại chẳng vay mượn được ở đâu để làm ăn kinh tế khiến gia đình vợ chồng trẻ cứ nghèo mãi. Lúc đó chị chỉ ước có được một nguồn tiền nho nhỏ để anh chị có vốn làm ăn, mua lấy vài cây, vài con giống thế mà cũng không thể vay đâu được. Khi đó vay vốn ở ngân hàng hay ở tổ chức tín dụng khác thì cần tài sản thế chấp. Đã có lúc anh chị tính hay thế chấp sổ đỏ để lấy tiền kinh doanh, thế nhưng lại sợ kinh doanh thua lỗ, lúc đó lấy tiền đâu mà trả nợ, mất nhà, mất đất rồi thì biết sống làm sao nên lại đành thôi.
Đến năm 2012, khi TYM (Tổ chức Tài chính Vi mô Tình Thương – một đơn vị trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam góp phần vào thực hiện sứ mệnh của Hội trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ) về với quê hương chị, cũng là lúc chị biết rằng cơ hội để gia đình phát triển kinh tế đã đến. Chị xin tham gia vào TYM và vay 7 triệu đồng món vốn đầu tiên để đầu tư vào chăn nuôi. Thế nhưng, năm đó dịch bệnh, anh chị lại không có nhiều kinh nghiệm nên mất trắng. Chị tự nhủ bản thân vẫn là trong cái rủi có cái may. Nhờ cơ chế cho vay trả dần của TYM, món vốn đó chị đã hoàn trả đều đặn hàng tuần từng khoản nhỏ trong một năm.
Thế rồi anh chị tìm một hướng đi khác, đó là trồng chè. Thanh Sơn vốn là vùng đất đồi núi với thổ nhưỡng và khí hậu rất phù hợp để trồng chè. Ở đây, nhiều bà con cũng đi theo hướng này, vậy nên chị bàn với chồng quyết tâm vay vốn để mua cây giống trồng chè. Trồng chè không bị rủi ro nhiều lại bán được quanh năm. Mặc dù giá chè không cao nhưng luôn giữ được mức ổn định. Nhờ vào cây chè mà thu nhập của gia đình chị cũng cải thiện lên nhiều. Kinh tế phát triển, anh chị lại tiếp tục vay gối đầu để mua thêm cây giống, phân bón để trồng thêm chè. Nhờ vậy mà diện tích trồng chè của gia đình nhà chị đã tăng từ 4.000m2 lên 10.000m2. Hai năm gần đây, anh chị còn tiếp tục mở rộng sang trồng cây ăn quả. Năm nay, vợ chồng chị Huyền đang rất kì vọng sẽ có được thêm chút thu nhập khi cây bắt đầu trổ bông sai trĩu và sẽ cho ra trái vụ đầu tiên.
Đến “chúng tôi đã vượt qua những ngày nghèo khó đến cùng cực”
8 năm kể từ khi vay số tiền 7 triệu đồng, đến nay gia đình chị Huyền đã mạnh dạn vay vốn với mức dư nợ tối đa là 50 triệu đồng. Vợ chồng anh chị tính toán vay hai loại vốn, một loại vốn trả hàng tuần sẽ lấy nguồn bằng thu nhập từ cây chè và chăn nuôi, còn loại vốn tháng thì sẽ được trả bằng lương chồng chị đi làm cơ khí. Bình thường tất cả các công việc này chỉ có hai vợ chồng san sẻ với nhau, nhưng những ngày bận rộn thì chị cũng sẽ nhờ người nhà hoặc thuê thêm nhân công để hỗ trợ.
Nhờ sự nỗ lực hết mình của đôi vợ chồng trẻ cùng với đòn bẩy vốn vay đã giúp cho gia đình anh chị thoát được hai chữ “hộ nghèo”. Năm 2020 là năm đầu tiên mà gia đình anh chị trở thành “hộ cận nghèo”. Trong tương lai, vợ chồng chị Huyền còn phải nỗ lực rất nhiều. Nỗ lực để không bị tái nghèo như nhiều gia đình khác. Nỗ lực để kinh tế tiếp tục đi lên mà “cái nghèo” thì đi xuống. Thế nhưng, điều quan trọng nhất là anh chị thấy được con đường phía trước thật tươi sáng và rộng mở.
“Chúng tôi đã đi qua những ngày nghèo khó đến cùng cực, khi hai vợ chồng chỉ mong đi vay được đồng vốn để đầu tư làm ăn. Nay nhờ vốn vay mà giờ chúng tôi đã thoát nghèo. Kinh tế gia đình giờ đây đã ổn định, cũng có thể sửa sang được nhà cửa và cho con cái ăn học đàng hoàng”, chị Huyền phấn khởi cho biết.
Liên hoan phim Sinemaya 2024 là liên hoan phim cộng đồng đầu tiên trong ngành tài chính vi mô Philippines. Liên hoan phim năm nay giới thiệu những câu chuyện dựa trên trải nghiệm thực tế, nhấn mạnh tác động tích cực của các sáng kiến tài chính vi mô và phát triển xã hội đối với các gia đình và cộng đồng. Sự kiện thu hút 40 hồ sơ gửi về tham dự. Bộ phim ngắn mang tên “Escaping Poverty: A Story of a Muong Woman Supported by TYM” (tạm dịch: Thoát khỏi đói nghèo: Câu chuyện về một người phụ nữ Mường với sự đồng hành của TYM) đến từ Việt Nam đã chinh phục hội đồng giám khảo và đạt Giải Ba cho phim xuất sắc nhất và Giải quay phim xuất sắc nhất.
Bộ phim đã góp phần nâng cao hình ảnh của Tổ chức Tài chính Vi mô Tình Thương do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vận hành, tạo hiệu ứng lan tỏa tốt trên mạng xã hội trong nước và nước ngoài. Thông qua hoạt động này cũng góp phần thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và Đề án hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Nguồn Pháp Luật VN:https://baophapluat.vn/cau-chuyen-thoat-ngheo-cua-nguoi-phu-nu-muong-chinh-phuc-lien-hoan-phim-quoc-te-post535736.html