Giờ thì chị Tình không còn thấy lo lắng về mẹ chồng nữa. Vì chị tin, khi người trong nhà đối đãi với nhau bằng tình yêu thương, sự chân thành thì đó sẽ là một gia đình ấm áp.
Sau ngày cưới mấy hôm, chị Cao Thị Tình (ở Phú Thọ) được bà thím họ bên nhà chồng rỉ tai: “Mẹ chồng cháu không vừa đâu, ngày xưa sẵn sàng cãi nhau tay đôi với bà nội chồng cháu đấy. Bà ấy đanh đá lắm. Nên tốt nhất, tránh va chạm, vài bữa cháu bàn với chồng xin ở riêng cho lành”. Chị Tình vâng dạ mà trong lòng không khỏi lo lắng.
Lấy chồng cùng quê nhưng chị Tình sống ở thị trấn, còn nhà chồng sống ở làng, nếp sinh hoạt có nhiều sự khác nhau. Chị Tình từ bé được bố mẹ cưng chiều, không phải làm lụng, lo toan gì. Lớn lên đi học, ra trường đi làm, tiền lương của chị được bao nhiêu, bố mẹ chẳng bao giờ hỏi đến, đưa mẹ bao nhiêu thì tùy, còn lại tự do tiêu pha.
Giờ lấy chồng, nhà chồng có 3 anh em, mà chồng chị lại là con cả, vai dâu trưởng, tránh sao được trọng trách trong nhà. Nghe bà thím họ nói thế, chị Tình canh cánh trong lòng, chỉ sợ lại vướng thị phi mẹ chồng – nàng dâu.
Mấy lần, chị Tình thủ thỉ hỏi chồng, xem “nhập gia tùy tục” mình có cần phải thay đổi gì không thì anh bảo: “Em cứ sống là con người thật của em, chúng mình sẽ dần dung hòa những điều còn khác biệt. Em là vợ anh, từ nay, đây là nhà em, gia đình của em thì sao phải sống khác con người và bản tính của em. Không lẽ đi lấy chồng thì em phải thay đổi thành người khác à?”. Nghe chồng nói thế, chị cũng yên lòng.
Nói vậy thôi chứ dâu mới sống chung với nhà chồng, sao không lạ lẫm và bỡ ngỡ cho được. Nghĩ đi nghĩ lại, tiện một hôm chỉ có mình với mẹ chồng cùng làm bếp, chị Tình vừa cười vừa nói: “Mẹ ơi, lúc ở nhà, con được chiều, thành ra hay lười và ỉ lại, chẳng biết làm việc gì.
Nên mẹ thấy con vụng chỗ nào thì mẹ chỉ dạy con nhé! Con là dâu trưởng, con sống với bố mẹ cả đời nên nếu cái gì chưa phải, mẹ cứ thẳng thắn góp ý cho con ạ. Mẹ không nói với con, mẹ giữ trong lòng mà con không biết để sửa thì mẹ sẽ khó chịu lắm đấy ạ”.
“Ô, thế mẹ tưởng bọn con thích ở riêng cho tự do chứ? Thời này có con dâu nào thích ở với bố mẹ chồng đâu. Mà nhà mình đông người, vợ chồng con muốn phấn đấu thì bố mẹ cũng không bắt các con phải ở chung đâu”, mẹ chồng chị Tình nói.
Chị Tình nhanh nhảu đáp lời: “Không đâu mẹ, các em lớn rồi, chỉ vài ba năm là lấy vợ, lấy chồng. Vợ chồng con xác định ở với bố mẹ, chúng con không ở riêng đâu. Mẹ đi lấy chồng, cả đời mẹ cũng sống cùng ông bà nội cho đến lúc ông bà khuất núi còn gì”…
Câu chuyện của chị Tình với mẹ chồng cứ thế mà kéo dài và trở nên thân thiện. Khi cả hai mẹ con cùng mở lòng, mẹ chồng chị Tình mới kể cho chị nghe về những phức tạp chuyện mẹ chồng, nàng dâu. Và cũng qua đây, chị Tình biết được giai thoại mẹ chồng chị “cãi tay đôi” với bà nội chồng.
Thực ra, câu chuyện không theo chiều hướng tiêu cực như mọi người nói, mà đó chính xác là một cuộc tranh luận giữa mẹ chồng chị Tình và bà nội chồng. “Bà con luôn luôn nghĩ rằng, phụ nữ muốn êm cửa ấm nhà thì phải biết nhịn chồng. Chồng sai không được đấu khẩu tay đôi mà nhẹ nhàng khuyên nhủ.
Chồng có nóng giận, nói năng cộc cằn hay tát vợ thì xong rồi cùng xuê xoa để giữ gia đình… Nhưng mẹ thì không nghĩ như bà. Mẹ luôn đòi hỏi sự công bằng ngay từ trong gia đình. Mẹ trực tính, đúng sai rõ ràng nên mỗi lần bất đồng quan điểm, mẹ và bà hay to tiếng với nhau…”.
Giờ thì chị Tình không còn thấy lo lắng về mẹ chồng nữa. Vì chị tin, khi người trong nhà đối đãi với nhau bằng tình yêu thương, sự chân thành thì đó sẽ là một gia đình ấm áp.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nang-dau-moi-khong-ra-o-rieng-lua-chon-song-chung-voi-me-chong-20240704165936297.htm