Thí sinh và giáo viên nhận định đề thi Ngữ văn năm nay của tỉnh Phú Thọ hay, có tính sáng tạo và gắn với thực tế.
Sáng 6/6, hơn 22 nghìn thí sinh tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành bài thi Ngữ văn, bài thi đầu tiên của kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025. Ghi nhận tại nhiều Hội đồng coi thi ở Phú Thọ, các thí sinh rời khỏi điểm thi với tâm lý phấn khởi. Thí sinh nhận định đề thi bám sát chương trình học, có độ phân hóa.
Tại Hội đồng thi Trường THPT Chuyên Hùng Vương, thí sinh Cao Nhật Mai tỏ ra hào hứng với đề Ngữ văn. Nhật Mai nhận xét: Đề thi hay, bám sát chương trình học, không khó quá. Em làm được 3 tờ giấy thi, chắc được 8,5 điểm cộng.
Đánh giá tổng quan về đề thi Ngữ văn năm nay, cô Lê Hương Giang – Giáo viên Ngữ văn trường THCS Sa Đéc (TX Phú Thọ) cho biết, đề thi hay, bám sát nội dung kiến thức của chương trình sách giáo khoa lớp 9 hiện hành và cấu trúc đề minh họa của Sở GD&ĐT Phú Thọ. Đề quen thuộc với học sinh vì những dạng đề này các em đã được thầy cô ôn luyện rất nhiều lần, ôn luyện hàng ngày.
Cũng theo cô Hương Giang, đề năm nay vừa sức và phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh tham gia kỳ thi. Đề có tính phân loại. Trong đề có các câu học sinh dễ dàng kiếm điểm là câu 1, 2 dạng câu hỏi nhận biết về phương thức biểu đạt, học sinh nào cũng có thể nhận dạng được ngay.
“Câu hỏi có tính phân loại học sinh là câu 4 (phần đọc hiểu), câu này dạng đề mở yêu cầu học sinh nắm chắc vấn đề bày tỏ được quan điểm cá nhân của mình về thông điệp mà em cảm nhận được từ đoạn trích và có lý giải hợp lý, thuyết phục.
Còn câu nghị luận xã hội theo quan điểm cá nhân tôi đánh giá là hay, có tính sáng tạo và gắn với thực tế. Với câu hỏi này học sinh có thể bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, thể hiện những hiểu biết về kiến thức thực tế đời sống, đánh giá được sự phát triển toàn diện của học sinh” cô Hương Giang phân tích.
Cùng quan điểm trên, cô Tô Thanh Hải (giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nông Trang, TP Việt Trì) chia sẻ, đề Ngữ văn bám sát cấu trúc đề minh họa và chương trình học. Đề kiểm tra được kiến thức tổng hợp và kiến thức trọng tâm.
“Các câu 1, 2 phần đọc hiểu học sinh dễ kiếm điểm. Câu 4, phần đọc hiểu thể hiểu sự sáng tạo của sinh. Phần Làm văn, thi vào bài Sang thu giúp học sinh năng khiếu thể hiện được chất văn”, cô Thanh Hải nhận định.
Theo lịch thi, chiều nay (6/6) các thí sinh làm bài thi môn Toán, thời gian làm bài 120 phút. Giờ bắt đầu làm bài là 14h30.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, tại Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025, toàn tỉnh có 4.521 thí sinh được cộng điểm ưu tiên; không có thí sinh được cộng điểm khuyến khích do thay đổi chế độ tuyển sinh.
Các trường hợp trên nằm trong chế độ ưu tiên trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Trường PTDTNT tỉnh Phú Thọ (không kể Trường THPT Chuyên Hùng Vương).
Gợi ý đáp án do thầy cô giáo Trường THCS Hùng Vương, thị xã Phú Thọ thực hiện
Câu |
Nội dung |
I |
ĐỌC HIỂU |
1 |
– Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận |
2 |
– Trong đoạn trích, cuộc đời của mỗi chúng ta có thể ví như “một con đường với hàng ngàn khúc quanh” |
3 |
– HS chỉ ra biện pháp liệt kê: hướng đi, phương án, kẻ đồng hành, những trang bị, thời điểm hành động. – Tác dụng: + Tạo nhịp điệu cho câu văn. + Giúp người đọc hình dung được đầy đủ những điều mà mỗi người cần lựa chọn trong cuộc đời để có thể bước tiếp trên con đường mình đã chọn, từ đó nhấn mạnh ý nghĩa của sự lựa chọn đối với mỗi người. |
4 |
HS đưa ra thông điệp có ý nghĩa nhất đối với mình và lí giải phù hợp. Có thể theo một trong số những gợi ý sau: – Mỗi người cần có những lựa chọn đúng đắn cho cuộc đời mình. – Cần kiên định với con đường mình đã chọn. – ….. |
II |
LÀM VĂN |
1 |
1. Yêu cầu về kĩ năng Viết đúng hình thức một đoạn văn nghị luận xã hội; lí lẽ, dẫn chứng phù hợp, diễn đạt lưu loát, mạch lạc; đoạn văn đảm bảo dung lượng (10-12 câu); không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. |
2. Yêu cầu về kiến thức Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau: *Nêu vấn đề nghị luận: Điều cần làm để tiếp tục bước đi trên con đường mà mình đã chọn. |
|
* Giải thích: – “Con đường mình đã chọn”: Là hướng đi, là đích đến mà mỗi người đã vạch ra dựa trên năng lực và đam mê của bản thân. |
|
* Bàn luận: Những điều cần làm: – Kiên định với con đường mà mình đã lựa chọn. – Không ngừng học hỏi, mở rộng kiến thức để có những hành trang vững chắc. – Sẵn sàng đối diện và vượt qua mọi khó khăn thử thách. – Làm chủ được bản thân, vượt qua được những cám dỗ tầm thường; biết vươn lên và hướng tới mục tiêu đã đặt ra. … (HS lấy dẫn chứng phù hợp) – Bàn luận mở rộng: + Những điều cần làm phải phù hợp với mục tiêu đề ra, phù hợp với thời điểm, tránh lãng phí thời gian và sức lực. + Phê phán: Một bộ phận giới trẻ dễ dao động, không kiên định với con đường mà mình đã lựa chọn. Hoặc sống không có ước mơ, hoài bão… |
|
* Bài học nhận thức, hành động: – Cần hiểu mỗi người đều có một con đường đi riêng. – Xây dựng cho bản thân kế hoạch hành động cụ thể để vững bước trên con đường mình đã chọn. |
|
2 |
Cảm nhận bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa qua đoạn thơ: “Bỗng nhận ra hương ổi …. Vắt nửa mình sang thu” |
1. Yêu cầu về kĩ năng: Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận: có đầy đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài giới thiệu được vấn đề nghị luận; thân bài triển khai được các luận điểm làm rõ vấn đề nghị luận; kết bài khái quát được nội dung nghị luận. |
|
2. Yêu cầu về kiến thức: – Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa. – Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau: |
|
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn thơ. * Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa: – Bức tranh giao mùa được cảm nhận ở không gian gần và hẹp: + “Hương ổi”: kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ, đưa từ “bỗng” lên đầu câu thơ đã diễn tả cảm giác bất ngờ, ngỡ ngàng của nhân vật trữ tình. Động từ “phả” diễn tả một làn hương ngào ngạt, sánh đậm, gợi liên tưởng đến không gian quen thuộc của những làng quê. Làn “hương ổi” trở thành phong vị riêng trong thơ thu Hữu Thỉnh. + “Gió se”: là cơn gió heo may khô, thoáng chút se lạnh. làn “gió se” đã làm dịu đi cái nắng oi ả, gay gắt của mùa hạ và khiến cho làn “hương ổi” như sánh lại và trở nên ngọt ngào hơn. + “Sương”: được nhân hoá “chùng chình qua ngõ” gợi lên dáng vẻ lãng đãng, cố ý chậm lại đầy lưu luyến, đồng thời gợi lên bước đi chầm chậm của mùa thu khi bắt đầu chớm sang. + Từ những cảm nhận ban đầu, nhà thơ đi đến một kết luận: “Hình như thu đã về”. Từ “Hình như” cho thấy một phán đoán không chắc chắn nhưng lại rất phù hợp để diễn tả cảm nhận mơ hồ lúc giao mùa. => Đó là những cảm nhận tinh tế của tác giả lúc thu sang và đối diện với khoảnh khắc ấy là niềm vui, niềm hạnh phúc của thi nhân. – Bức tranh giao mùa được cảm nhận trong không gian rộng lớn hơn: + Phép đối: “Sông ….dềnh dàng”/ “Chim…vội vã” tạo cấu trúc đăng đối tự nhiên, câu thơ đẹp như bức tranh cổ. + Nhân hóa, từ láy “dềnh dàng”, “vội vã” gợi cảm nhận về sự hiền hòa, êm đềm của dòng sông mùa thu và sự gấp gáp, vội vàng của cánh chim. + Hình ảnh: “Đám mây mùa hạ”/ “Vắt nửa mình sang thu” gợi lên không gian của bầu trời cao rộng, trong trẻo làm cho bức tranh thiên nhiên có hình, có hồn và trở nên gần gũi sống động. => Đoạn thơ đã diễn tả ấn tượng, độc đáo sự vận động của tự nhiên lúc giao mùa, thể hiện sự cảm nhận và miêu tả tinh tế của nhà thơ, khơi gợi tình yêu thiên nhiên của quê hương đất nước. – Cảm nhận, suy ngẫm của tác giả + Phút giao mùa của thiên nhiên thật đẹp dễ gợi cảm xúc cho con người. + Phút sang thu của đời người thường có những giây phút bâng khuâng, suy tư, có lúc vội vã. + Cuộc đời con người có nhiều khát vọng nhưng sẽ có những khát vọng còn dang dở. => Cảm nhận rất tinh tế, suy ngẫm sâu sắc, thể hiện hồn thơ nhiều rung cảm, rất tài hoa. Qua đó thể hiện tình yêu mùa thu, yêu cuộc đời của nhà thơ Hữu Thỉnh. * Đánh giá chung – Nghệ thuật: + Thể thơ năm chữ, ngắn gọn, hàm súc. + Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, tự nhiên nhưng giàu sắc gợi, độc đáo và mới lạ. Giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng. – Nội dung: Đặt trong mối liên kết với bài thơ, đoạn thơ đã cho thấy những cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước những tín hiệu giao mùa và quang cảnh thiên nhiên khi sang thu. Đồng thời, ẩn chứa trong đó là những suy ngẫm về con người và cuộc đời. |