Chỉ trong 2 tuần, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, đã tiếp nhận điều trị cho 12 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng do tắc ruột.
Trình bày với bác sĩ ở Trung tâm Y tế Cẩm Khê, anh S. cho hay, vài ngày trước, anh bị đau bụng do ăn mít nhưng sau đó tự khỏi. Lần này, trước khi vào viện 1 ngày, anh cũng ăn nhiều mít và có các biểu hiện bụng đau quặn, chướng căng bụng, nôn nhiều, khó chịu.. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán, anh S. bị tắc ruột nghi do bã thức ăn. Anh S. được chỉ định nhịn ăn, đặt sonde dạ dày, thụt tháo, truyền dịch, dinh dưỡng hoàn toàn đường tĩnh mạch.
Trước đó, một nữ bệnh nhân 62 tuổi cũng vào viện với triệu chứng tương tự anh S., bác sĩ xác định bà bị tắc ruột do bã thức ăn là món măng khô.
Theo các bác sĩ, tắc ruột non là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp. Măng, mít, ổi cóc… là những món ăn khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, nếu ăn không đúng cách, ăn quá nhiều, đặc biệt là ăn nhiều khi bụng đói có thể gây tắc ruột, biến chứng dẫn đến tử vong.
Những người dễ bị tắc ruột do bã thức ăn là người già răng rụng, người đã phẫu thuật cắt dạ dày, người có thói quen ăn nhanh không nhai kỹ. Khi xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, nôn, bí trung tiện, chướng bụng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị. Nếu không được xử trí kịp thời, tắc ruột do ứ đọng bã thức ăn có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn tới tử vong.
Các bác sĩ lưu ý, trước khi ăn các món có nhiều nhựa như ổi, hồng ngâm, măng khô, cần phải ăn khi no. Để phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, đặc biệt ở người cao tuổi, người dân cần lưu ý thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ, nhai kỹ khi ăn.
Nguồn: Cảnh báo mất mạng do ăn nhiều măng, mít gây tắc ruột (quochoitv.vn)