Dù Chính phủ đã có quy định phải chấm dứt mọi hoạt động đối với các lò gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu (lò vòng) và chuyển sang công nghệ mới, an toàn đối với môi trường (lò tuynen). Tuy nhiên, địa bàn huyện Tam Nông, Phú Thọ vẫn còn một số lò gạch thủ công hoạt động chưa bị xử lý.
Thời gian qua, người dân các xã Dị Nậu, Hương Nộn và xã Thọ Văn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ phản ánh về việc trên địa bàn tồn tại một lò gạch công nghệ cũ, lạc hậu trong quá trình hoạt động phát tán mùi, khói, bụi gây ô nhiễm môi trường, tàn phá hạ tầng giao thông…
Nhiều tuyến đường liên xã, trong huyện cũng đang bị cày nát do xe chở đất đá về các lò gạch, xe chở đất đến các điểm tập kết. Nhiều đoạn đường trải bê tông atphan, nhưng do bị xe chở đất rơi vãi xuống chỉ nhìn thấy màu đỏ của đất.
Đáng nói, đây là công nghệ lò vòng (đốt gạch bằng than đá, gây ô nhiễm môi trường) mà theo quy định của Chính phủ phải chấm dứt hoạt động vào năm 2020. Nhưng không hiểu vì lý do gì công nghệ sản xuất gạch gây ô nhiễm trên vẫn tồn tại ở đây nhiều năm.
Theo bà H., người dân ở gần lò gạch cho biết: Việc đốt gạch ở đây vẫn thường xuyên, hôm nào trời u ám, sương mù là i như rằng chúng tôi phải hứng chịu mùi khét rất khó chịu, trong nhà phải đóng kín cửa, ngày nằng thì bụi bẩn phát tán khắp nơi khiến cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng.
“Không những gây ô nhiễm, mà xe ô tô chở đất vào nhà máy gạch, xe chở gạch đi làm nát hết cả đường, sạt lở xuống ruộng lúa gần nhà máy. Nên nếu chuyển được lò gạch ra xa khu dân cư là tốt nhất”, bà H. cho biết.
Theo người dân ở đây cho biết, lò gạch này đã tồn tại hàng chục năm nay, trong quá trình hoạt động, bãi đất chứa của lò trông như những “núi đất” nằm chềnh ềnh giữa cánh đồng qua vài trận mưa đất ở đây đã trôi sạt xuống một số hộ dân có ruộng canh tác ở gần đó.
Ghi nhận của phóng viên VOV.VN, lò gạch này, được đặt giữa cánh đồng rộng lớn thuộc 2 xã Hương Nộn và Dị Nậu quy mô lên tới hàng chục hecta… xung quanh không có tường bao, con đường từ lò gạch ra ngoài cánh đồng do nhiều xe trọng tải lớn chở đất, gạch ra vào nên đã xuống cấp nghiêm trọng, tạo thành nhiều ổ voi, ổ gà khiến các phương tiện và người tham gia giao thông ở đây bị ảnh hưởng.
Phía bên trong, lò vẫn hoạt động bình thường, gạch được xếp thành các kiêu dài cả vài trăm mét, các xe trọng tải lớn xếp thành hàng dài chờ “ăn” gạch. Nhìn tổng thể từ trên cao xuống lò gạch này không khác gì một “đại công trường” hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Người dân xung quanh cho biết, một ngày lò có thể đốt được cả chục vạn gạch, do gạch chủ yếu sử dụng nguồn đất sét, đất đỏ trên đồi trong các xã trên địa bàn huyện nên gạch ở đây rất đẹp, cứng chắc và được nhiều khách hàng từ các tỉnh đổ về mua rất đông. Giá gạch hiện tại bán ở lò là từ 800-1.000 đồng/viên.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Minh – Chủ tịch UBND xã Dị Nậu cho biết: Lò gạch này đã hoạt động từ lâu, trong quá trình hoạt động cũng đã gây ra sạt lở đất xuống một số hộ dân có đất canh tác ở gần đó.
“Có việc sạt lở đất xuống ruộng lúa của người dân, Tuy nhiên, sau khi bị sạt lở, chủ lò gạch đã thống nhất khắc phục và hỗ trợ các hộ dân. Đa số là các hộ dân bị ảnh hưởng ở xã Hương Nộn giáp lò gạch, không có ruộng nào của người dân trong xã bị ảnh hưởng”, ông Minh thông tin.
Khi được hỏi, theo quy định của Chính phủ, lò gạch thủ công, ở đây là công nghệ lò vòng, phải dừng hoạt động từ cuối năm 2020 nhưng tại sao lò gạch này vẫn động hoạt động bình thường, ông Minh lý giải do mới về xã được ít thời gian, chưa nắm được cụ thể và cho biết.
“Chính cái này tôi cũng không nắm được, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại và sẽ có báo cáo…”, ông Minh nói.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần An Phát – đơn vị quản lý, vận hành khu lò gạch, đơn vị mới tiếp quản nhà máy gạch, trước đó do người khác quản lý. Sau khi có chủ trương phải dừng sản xuất gạch theo công nghệ cũ, đã được các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cấp phép chuyển đổi công nghệ sang lò tuynel. Nhưng tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty vẫn “túc tắc” vừa sản xuất vừa xây dựng.
“Biết làm vậy là không đúng nhưng chúng tôi xin tận dụng cơ ngơi cũ và cũng là tạo điều kiện cho những công nhân ở đây”, đại diện đơn vị quản lý phân bua.
Việc sản xuất gạch nung bằng công nghệ lò vòng, lò cải tiến không chỉ gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí, mà còn gây lãng phí tài nguyên bởi việc sử dụng đất màu để sản xuất mà còn tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng bởi các doanh nghiệp đầu tư bài bản cho công nghệ mới để thay thế công nghệ sản xuất gạch nung kiểu thủ công.
Trước thực trạng trên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ sớm xử lý rứt điểm tình trạng nhiều lò gạch với công nghệ lạc hậu nhưng vẫn được hoạt động khiến môi trường, đất đai bị huỷ hoại đồng thời không thực hiện đúng Chỉ đạo của Chính phủ.
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/cac-lo-gach-cong-nghe-lac-hau-gay-o-nhiem-moi-truong-o-phu-tho-post1114840.vov