THIẾT KẾ WEBSITE TẠI PHÚ THỌ
Giáo dục

“Hiểu bản thân” là chìa khóa hướng nghiệp quan trọng đối với học sinh cuối cấp

Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng đã khơi gợi cho các em học sinh những cách nhìn nhận sâu sắc mà thực tế trong vấn đề lựa chọn ngành nghề, định hướng tương lai.

Sáng ngày 20/9, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy (khu 5 thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Hội thảo thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo học sinh Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy.

Mục tiêu chính của hội thảo là giúp các em học sinh Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy nhận thức rõ nét về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, về cơ hội khởi nghiệp, chọn việc làm, đồng thời chú trọng việc đào tạo phương pháp và kỹ năng sống trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề lập nghiệp.

Diễn giả của hội thảo là ông Nguyễn Trọng Tùng – người đã có 15 năm kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng Business Marketing và truyền thông cho sinh viên đại học và trung học, 10 năm kinh nghiệm giảng dạy môn Khởi nghiệp và cố vấn nghề nghiệp của các trường giảng dạy chương trình quốc tế.

Tham dự buổi hội thảo có thầy Trần Huy – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy, các thầy cô giáo và đông đảo học sinh của trường.

Các thầy, cô giáo Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo về hướng nghiệp cho học sinh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Là một chuyên gia hướng nghiệp giàu kinh nghiệm, tại hội thảo, diễn giả Nguyễn Trọng Tùng đã khơi gợi cho các em học sinh những cách nhìn nhận sâu sắc mà thực tế trong vấn đề lựa chọn ngành nghề, định hướng tương lai. Thông qua cách dẫn dắt lôi cuốn với những câu chuyện trải nghiệm đầy sinh động của diễn giả, các em học sinh Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy say mê lắng nghe và mạnh dạn bày tỏ quan điểm cá nhân.

Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng chia sẻ tại hội thảo.

Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng cho rằng, nguyên tắc của hướng nghiệp, khởi nghiệp, trước hết là hiểu bản thân. Hiểu bản thân chính là chìa khóa để các em định hướng được nghề nghiệp trong tương lai một cách phù hợp nhất với sở thích, nguyện vọng… Ngoài ra, để hiểu rõ bản thân, xác định được sở thích, điểm mạnh, hạn chế, học sinh có thể tìm đến sự hỗ trợ của các công cụ Holland Code, MBTI để tự đánh giá.

Sau khi đã hiểu bản thân, các em cần tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động, việc làm cũng như chương trình đào tạo. Đối với mỗi lĩnh vực, nghề nghiệp sẽ có những đặc thù và yêu cầu riêng. Nếu tìm hiểu được thị trường thì các em có thể tự tin hơn với sự lựa chọn của mình.

Hơn thế nữa, theo chuyên gia, một trong những nguyên tắc quan trọng trong quá trình hướng nghiệp chính là sự trải nghiệm, học bằng cách “thử”. Theo đó, các em có thể tham quan các cơ sở đào tạo hay nhờ sự chia sẻ của các cựu học sinh trong hành trình vào đại học, trường nghề hay trưởng thành trong cuộc sống. Mỗi một trải nghiệm sẽ là bài học thực tế sâu sắc, giúp học sinh có cách nhìn nhận đa chiều, đa diện đối với lĩnh vực định theo đuổi trong tương lai.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy.

Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng cũng đặt câu hỏi, để hiểu bản thân, hãy tự vấn chính mình rằng liệu 5-10 năm tới, bạn sẽ là ai? bạn mong muốn trở thành người như thế nào? Trước câu hỏi của diễn giả, em Đào Thị Ngọc Ánh – học sinh lớp 12A5 bày tỏ mong muốn trong tương lai sẽ trở thành một chiến sĩ công an nhân dân. Để thực hiện ước mơ đó, Ngọc Ánh chia sẻ, bản thân em đã tìm hiểu các tiêu chí, điều kiện tuyển sinh và không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng cũng mở rộng câu chuyện về hội nhập quốc tế, chúng ta có thể thể hiện tình yêu quê hương bằng cách yêu ngôi trường, hiểu về con người, vùng đất, những món đặc sản đặc trưng, để có thể quảng bá hình ảnh Việt Nam cùng bạn bè thế giới. Khi có đủ trải nghiệm và sự am hiểu, chúng ta có thể tự tin thể hiện bản lĩnh cá nhân.

Diễn giả đặt ra tình huống giả định để các em học sinh giải quyết vấn đề. Đó là khi một khách du lịch chỉ có một ngày ở huyện Thanh Thủy, Phú Thọ thì các em sẽ giới thiệu món đặc sản nào để khiến du khách “say lòng nhớ thương” về miền đất này. Câu hỏi này nhanh chóng khiến không khí trong hội trường nóng lên, các em học sinh hào hứng thảo luận.

Em Trần Quang Minh – học sinh lớp 12A5, Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy.

Em Trần Quang Minh – học sinh lớp 12A5 bày tỏ quan điểm rằng, dòng Sông Đà chảy qua địa phận huyện Thanh Thủy là nơi sinh sống, trú ngụ của nhiều loài cá ngon, quý. Nếu nhắc đến một món đặc sản để níu chân du khách, em sẽ giới thiệu món cá sông Đà. Các loài cá sông Đà nổi tiếng chắc thịt, thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng, chắc chắn sẽ khiến du khách nhớ mãi không quên.

Em Cao Văn Hòa – học sinh lớp 12A6 bày tỏ mong muốn được theo đuổi nghề nghiệp liên quan đến du lịch.

Còn em Cao Văn Hòa – học sinh lớp 12A6 thì bày tỏ, vùng đất Thanh Thủy với thế “tựa sơn, đạp thủy”, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình và nhiều di tích lịch sử văn hóa cùng con người hiền hậu sẽ là điểm thu hút du khách. Đặc biệt, Thanh Thủy cũng nổi tiếng với nguồn nước khoáng nóng tự nhiên, có tác dụng tốt với sức khỏe của con người. Em mong muốn sau này sẽ có thể theo đuổi nghề nghiệp liên quan đến du lịch để góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh quê hương.

Bên cạnh đó, trước sự gợi mở của diễn giả về câu chuyện được truyền tải thông qua bộ phim “Sói già phố Wall”, em Nguyễn Thu Trang – học sinh lớp 12A8, đã chia sẻ câu chuyện em học được từ câu chuyện đó. Ngoài ra, em cùng diễn giả đã tái hiện lại một tình huống “bán cho tôi một chiếc bút” hết sức thú vị của bộ phim.

Câu chuyện “bán cho tôi một chiếc bút” được tái hiện tại hội thảo.

Thông qua câu chuyện này, diễn giả mong muốn các em học sinh “nhìn rộng ra”, rằng hãy “bán” những gì người tiêu dùng cần chứ không phải đơn thuần là sản phẩm doanh nghiệp có. Việc định hướng, lựa chọn nghề nghiệp là một hành trình dài, chủ động tìm kiếm sự phù hợp với bản thân. Trong quá trình đó, việc có được thông tin một cách tổng thể, kỹ càng về thị trường lao động, chương trình đào tạo, tỷ lệ việc làm đúng ngành… cũng giúp các em có định hướng đúng đắn.

“Hiểu bản thân, mạnh dạn tìm hiểu và quan trọng hơn là các em cần chủ động chứ không nên phó mặc cho thầy cô. Học bằng những trải nghiệm từ người đi trước cũng là cách giúp các em có được những bài học thực tế. Bên cạnh kiến thức thì kỹ năng mềm, thái độ sống, cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề cũng rất quan trọng”, diễn giả nhấn mạnh.

Em Bùi Minh Nhật – học sinh lớp 12A2 đặt câu hỏi cho diễn giả.

Em Bùi Minh Nhật – học sinh lớp 12A2 đặt câu hỏi cho diễn giả: “Thưa thầy, làm thế nào để học sinh có thể tự tìm thấy, phát hiện tài năng của bản thân. Bản thân em mong muốn theo đuổi ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính”.

Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng cho rằng, muốn lựa chọn được ngành học phù hợp, trước hết hãy xem xét năng lực học tập của chính mình, khơi gợi, tìm cách học hiệu quả nếu kết quả chưa được như ý muốn, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành học. Ngoài ra, em hãy tìm đến các thầy cô, các anh chị hiểu về ngành này để có được sự tham vấn sát sườn.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy đặt câu hỏi cho diễn giả.

Em Nguyễn Hà Vy Thảo – học sinh lớp 11A1 băn khoăn, liệu có bao giờ diễn giả cảm thấy bản thân chưa giỏi ở một lĩnh vực mà bản thân tưởng chừng đã nắm kỹ? Diễn giả Nguyễn Trọng Tùng chia sẻ, kiến thức là một đại dương bao la, chúng ta cần phải học hỏi mỗi ngày với sự chủ động, có mục tiêu rõ ràng thì sẽ sớm đạt được thành quả như kỳ vọng.

Em Nguyễn Anh Thái – học sinh lớp 11A1 tự tin thể hiện quan điểm cá nhân.

Em Nguyễn Anh Thái – học sinh lớp 11A1 mạnh dạn đứng trước hội thảo để bày tỏ quan điểm cá nhân. Trước câu hỏi của diễn giả “giữa việc làm người nổi tiếng và người có ích, em sẽ lựa chọn gì?”, Anh Thái trả lời “Em mong muốn trở thành một người nổi tiếng có ích. Khi trở thành người nổi tiếng, những hành động tốt đẹp của em sẽ trở thành cảm hứng cho nhiều người khác nữa”. Diễn giả đánh giá cao câu trả lời trọn vẹn ý nghĩa của em học sinh này.

Hội thảo không chỉ giúp học sinh có cơ hội lắng nghe những chia sẻ hướng nghiệp đầy bổ ích từ chuyên gia mà còn thúc đẩy các em sống có trách nhiệm với tương lai. Kết thúc hội thảo, thầy Trần Huy – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến diễn giả và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vì một buổi hội thảo rất có ý nghĩa đối với học sinh, đặc biệt là các em cuối cấp, đứng trước lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Thầy Trần Huy – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy gửi lời cảm ơn chân thành đến diễn giả và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vì đã đem đến cho thầy cô, học sinh buổi hội thảo đầy ý nghĩa.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bên lề hội thảo, thầy Huy cho biết, Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy luôn chú trọng đến vai trò, ý nghĩa của hoạt động hướng nghiệp. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động, lồng ghép các nội dung này trong các tiết học để học sinh có thêm góc nhìn toàn diện, thực tế về lựa chọn nghề nghiệp.

Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy ra đời trong khói lửa ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc (07/11/1966). Ngày ấy, trường chỉ có 3 lớp học, 163 học sinh và 8 thầy cô giáo. Qua 4 lần thay đổi địa điểm, nay trường được xây dựng khang trang bên dòng Đà giang lịch sử, tại khu 5 thị trấn Thanh Thủy.

Theo thầy Huy, hiện nhà trường có 1.219 học sinh với 28 lớp và 69 giáo viên. Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy luôn nằm trong tốp đầu các cơ sở giáo dục có thành tích tốt của tỉnh Phú Thọ.

Công trình thanh niên của Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy.

Ngoài ra, công trình thanh niên chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được nhà trường triển khai từ năm 2021, đến nay cũng phát huy vai trò tích cực trong việc nâng cao văn hóa đọc cho các em học sinh. Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy cũng bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, văn hóa đọc, chia sẻ sách sẽ ngày càng được học sinh nhân rộng và phát triển mô hình “thư viện xanh”.

Một số hình ảnh khác tại hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”:

Chuỗi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với sự tham gia của diễn giả ông Nguyễn Trọng Tùng đã có 15 năm kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng Business Marketing và truyền thông cho sinh viên đại học và trung học, 10 năm kinh nghiệm giảng dạy môn Khởi nghiệp và cố vấn nghề nghiệp của các trường giảng dạy chương trình quốc tế; là chuyên gia, diễn giả về truyền thông mới, báo chí trực tuyến và chủ đề giới trẻ trong các sự kiện do Đại sứ quán Đức, GIZ, Học viện Báo chí và truyền thông Việt Nam tổ chức.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được diễn giả Nguyễn Trọng Tùng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 – 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Nguồn: https://giaoduc.net.vn/hieu-ban-than-la-chia-khoa-huong-nghiep-quan-trong-doi-voi-hoc-sinh-cuoi-cap-post245668.gd

 

Phutho247

PhuTho247 là Blog chia sẻ tin tức chọn lọc. Tất cả các bài viết đều được ghi rõ nguồn. PhuTho247 không chịu trách nhiệm về các bài viết trên PhuTho247.com

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button