“Chấm” Bách khoa ngay khi từ Phú Thọ xuống Hà Nội học cấp 3, Hải Linh không ngờ vào top 2 điểm cao nhất trong đợt xét tuyển sớm, đỗ ngành Khoa học máy tính.
Nguyễn Thị Hải Linh là cựu học sinh lớp 12 Toán 1, trường THPT chuyên Sư phạm. Em vừa trúng tuyển ngành Khoa học máy tính (IT1) của trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, với điểm xét tuyển 108,74/110.
Số điểm này giúp em đứng thứ hai trong gần 4.600 thí sinh xét tuyển tài năng bằng hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn. Linh nằm trong 40 thí sinh xuất sắc, được Đại học Bách khoa Hà Nội vinh danh, hôm 7/7.
“Em biết mình sẽ đạt điểm tương đối tốt nhờ thành tích ở cấp ba, nhưng hôm phỏng vấn em rất run. Việc có điểm xét tuyển cao thứ hai là điều em chưa từng nghĩ đến”, Linh nói.
Bách khoa Hà Nội hiện có nhiều phương thức tuyển sinh. Trong đó, đợt xét tuyển sớm dành cho thí sinh đạt giải học sinh giỏi, có chứng chỉ quốc tế… Đợt còn lại, trường xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm đánh giá tư duy.
Hải Linh quê ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Hết lớp 9, em đỗ 3 trường chuyên ở tỉnh và Hà Nội nhưng chọn THPT chuyên Sư phạm.
Ngay khi vào trường, Linh đã quyết tâm lọt vào đội tuyển Toán bởi mơ ước được thi học sinh giỏi quốc gia, cũng như có kiến thức cho các bậc học cao hơn.
Thầy Hà Duy Hưng, tổ trưởng tổ Toán, trường chuyên Sư phạm, cho biết ngay từ lớp 10, Linh đã hoàn thành hầu hết chủ đề Toán cơ bản của bậc THPT.
“Em ấy có tư duy tốt và rất giỏi các phần Toán logic, số học, tổ hợp, gặt hái nhiều thành tích”, thầy Hưng nói. Linh từng hai lần đạt giải khuyến khích môn Toán trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, huy chương bạc Olympic chuyên Khoa học tự nhiên, giải ba Olympic Toán dành cho học sinh, sinh viên toàn quốc…
“Em mong muốn học sâu về Công nghệ thông tin bởi lĩnh vực này tiềm năng. Nếu đủ khả năng, em có thể biến các ý tưởng của mình thành sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống”, Linh chia sẻ. “Môi trường thiên về học thuật và kỹ thuật như Bách khoa cũng rất phù hợp với người hướng nội như em”.
Các thành tích này phù hợp với tiêu chí “xét tuyển tài năng” của Đại học Bách khoa Hà Nội. Song, đây chỉ là một tiêu chí. Nữ sinh vẫn cần trải qua vòng phỏng vấn với các giảng viên của trường.
Khoa học máy tính là ngành có đầu vào cao nhất, nhì ở Bách khoa hàng năm. Linh nhìn nhận có thể trượt nếu phần trả lời không tốt.
“Em rất lo lắng vì không giỏi giao tiếp”, Linh nhớ lại. “Em phải tìm hiểu rất kỹ thông tin, viết ra những gì muốn nói và học đi học lại nhiều lần. Tổng cộng, em đã chuẩn bị hơn 10 trang A4”.
Hôm phỏng vấn, các câu hỏi của thầy cô xoay quanh những hiểu biết về trường, ngành học và mong muốn của bản thân, tương tự những gì đã chuẩn bị, nhưng Linh vẫn bối rối. Nữ sinh nói “một lèo” và kết thúc phần này chỉ sau 10 phút.
“Phần trả lời của em ngắn hơn các bạn khác nên em lo lắng. Không ngờ, em được thầy cô chấm 19/20 điểm phần này”, nữ sinh nói.
Nhìn lại quá trình học tập, Linh hài lòng về khả năng tự học mà em trau dồi qua hai năm học đội tuyển ở trường Sư phạm. Thầy Hà Duy Hưng cũng ấn tượng với nữ sinh về điều này, cũng như sự chăm chỉ của em.
“Không ít lần tôi phải nhắc nhở đến mức gay gắt vì em ấy quá chăm học. Nhiều hôm 2h sáng vẫn thấy nick Facebook của Linh sáng, tôi nhắn hỏi thì biết em vừa học bài xong”, thầy Hưng kể.
Theo sát đội tuyển của trường, thầy Hưng chưa khi nào thấy Linh mệt mỏi hay nhụt chí, ngay cả khi kết quả chưa đạt kỳ vọng. Sau khi kết thúc kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12, Linh vẫn thường xuyên tham gia giải bài và viết tài liệu tham khảo môn này.
Ngoài ra, dù ở cùng anh trai, rất xa trường nhưng kể cả giai đoạn học đội tuyển căng thẳng, Linh vẫn đi đầy đủ và đúng giờ. “Phải học tập xa nhà, không được ở gần bố mẹ, lại là con gái, đây là điều mà tôi ngưỡng mộ ở Hải Linh”, thầy Hưng nói.
Ngoài Toán, Linh học tốt ở các môn khác. Năm lớp 12, em đạt điểm trung bình môn Hóa, Tiếng Anh đều 9,5, Văn 9,3. Với các môn Toán, Lý, Tin, Sử, Linh đạt điểm 10 ở cả ba năm học.
“Với em, kiến thức thầy cô trao ở trường là vô cùng giá trị”, Linh chia sẻ. Em đặt mục tiêu trước mắt là được tham dự kỳ thi Olympic Toán học dành cho sinh viên và học sinh toàn quốc, tham gia nghiên cứu khoa học.
“Em cũng chú trọng nâng cao trình độ tiếng Anh để du học sau đại học nếu có cơ hội”, Linh cho hay.
Nguồn: https://vnexpress.net/nu-sinh-do-som-nganh-khoa-hoc-may-tinh-duoc-bach-khoa-vinh-danh-4768245.html