THIẾT KẾ WEBSITE TẠI PHÚ THỌ
Ẩm thực

Hương sắc mùa xuân trong những màu xôi người Mường

Ở huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ), những ngày Tết Nguyên đán trong các gia đình người Mường dường như không thể thiếu món xôi ngũ sắc tượng trưng cho triết lý ngũ hành âm dương và con người hòa hợp.

 Phụ nữ Tân Sơn nhuộm màu gạo để làm xôi ngũ sắc.

Đầu xuân, tiết trời se lạnh, sương núi giăng giăng bao phủ. Những căn bếp ấm cúng lại đỏ lửa, mùi cơm gạo nếp vấn vương trong từng nếp nhà.

Bao đời nay, người Mường ở Tân Sơn vẫn sống dựa chủ yếu vào nghề trồng lúa. Cây lúa là cây lương thực chính nuôi sống người Mường, là hoạt động kinh tế chủ yếu nên được bà con đặc biệt coi trọng, tôn sùng và “vía” hóa (thần thánh hóa). Đây chính là cơ sở để hình thành nên tín ngưỡng thờ vía lúa cũng như hệ thống những nghi lễ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Muốn mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ, dân bản phải tổ chức “rước vía lúa”.

Nói đến ngày Tết Nguyên đán trong các gia đình người Mường, dường như không thể nhắc tới món xôi ngũ sắc. Đây là một món ăn bình dân, nhưng lại thể hiện những giá trị tinh tế trong quan niệm, ứng xử của con người với tự nhiên, về tinh thần lao động hăng say để làm nên những hạt gạo, về lòng hiếu thảo và ứng xử đẹp của con người. Giống như sự đa dạng trong các mối quan hệ xã hội của con người, xôi ngũ sắc là sự kết hợp đa dạng, tinh tế của nhiều loại cây, củ, quả để tạo thành món xôi thơm ngon, độc đáo.

Quy trình để nấu ra món ăn bình dị này tưởng như rất dễ, nhưng lại vô cùng tỉ mỉ, đòi hỏi người làm phải có sự tinh tế, thận trọng. Gạo nấu xôi ngon nhất là loại gạo nếp nương hạt to, dài. Gạo vo sạch và ngâm riêng trong dịch màu của các loại cây đã được chế biến, sau đó gạo được đãi lại để ráo rồi để riêng mỗi màu một góc trong chõ đồ xôi và đồ lên trong khoảng hơn một giờ sẽ được một chõ xôi bảy màu thơm ngon và đẹp mắt. Mỗi một màu xôi có những cách làm khác nhau.

Năm màu của xôi tượng trưng cho triết lý ngũ hành âm dương và con người hòa hợp. Màu đỏ tượng trưng cho Hỏa, màu trắng tượng trưng cho Kim, màu đen tượng trưng cho Thủy, màu vàng là Thổ và màu xanh tượng trưng cho Mộc.

Đối với cách nhuộm màu cho xôi, theo kinh nghiệm của cha ông để lại, người Mường ít nhiều đều biết sử dụng cây cỏ để nhuộm màu cho vật dụng và thực phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống. Trong đó, có nhiều cây vừa là cây thuốc vừa là cây nhuộm có màu sắc đa dạng được đồng bào lựa chọn để nhuộm màu thực phẩm.

Các màu của xôi thường là: Tím huế, tím than, đỏ, xanh cửu long, xanh cổ vịt, xanh da trời, vàng… được tạo ra chủ yếu từ các loại cây lá: Cây cẩm đỏ, cây cẩm tím, cây cẩm gạo, hoa của cây mật mông hoa, ngoài ra còn nhiều loại khác cho bà con lựa chọn như củ nghệ, cây bẳng lai cho màu vàng và lá gừng cho xôi có màu xanh lá cây.

Để tạo ra được những màu xôi đẹp mắt, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật. Ví như khi làm xôi tím bà con người Mường lấy cành lá cây cẩm tím cho nước sâm sấp đun sôi khoảng 20 phút chắt lấy nước để nguội rồi cho gạo nếp đã được vo sạch vào ngâm khoảng 6-8 giờ, đãi lại bằng nước lã rồi đem đồ xôi, xôi chín sẽ lên màu tím rất đẹp. Với cây cẩm gạo (cho xôi màu xanh) cũng làm tương tự như vậy, bằng cách này xôi có màu tím huế (tím ánh hồng) từ cây cẩm tím và màu xanh Cửu Long từ cây cẩm gạo.

Khâu quan trọng cuối cùng là đồ xôi. Người Mường ở Tân Sơn đồ xôi trong một cái nồi chuyên dụng gọi là “chõ đồ xôi”. Khâu đồ xôi cũng đòi hỏi sự cầu kỳ không kém khi người đồ cũng phải bỏ từng lượt gạo đã trộn màu vào chõ. Gạo nhuộm những màu sắc mạnh, dễ bị dây màu sang các màu khác như vàng, đỏ, tím thường được rải ở lượt dưới cùng chõ đồ, ngăn cách nhau bằng lá chuối và trên cùng chắc chắn phải là lớp gạo nếp nguyên thủy, màu trắng. Riêng màu trắng được để trên cùng để tránh bị nhuộm màu bởi những màu khác.

Quá trình đồ xôi ngũ sắc đòi hỏi phải có kinh nghiệm để xôi ở trên bếp đủ thời gian, vừa chín tới, vừa đượm màu. Người Mường luôn canh lửa vừa, khi nào thấy có mùi thơm là xôi đã chín. Xôi sau khi chín được bắc ra khỏi bếp cũng là lúc bàn tay khéo léo của người nấu xới, gạt, trộn đều các lớp xôi màu với nhau để xôi được trộn thành ngũ sắc đẹp mắt. Khi chín hương thơm của nếp quyện với hương thơm đặc trưng của cây cỏ nơi núi rừng đã khiến xôi ngũ sắc không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội hạt se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm đặc trưng.

Xôi nấu xong được những người phụ nữ khéo tay đặt lên một chiếc lá, màu sắc của xôi đại diện cho những hy vọng, mong muốn của người Mường cho một năm mới. Năm màu của xôi tượng trưng cho triết lý ngũ hành âm dương và con người hòa hợp. Màu đỏ tượng trưng cho Hỏa, màu trắng tượng trưng cho Kim, màu đen tượng trưng cho Thủy, màu vàng là Thổ và màu xanh tượng trưng cho Mộc. Đồng thời, nó còn thể hiện tình cảm đoàn kết của dân tộc./.

Nguồn: https://dangcongsan.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dtts-mn/tin-tuc-su-kien/huong-sac-mua-xuan-trong-nhung-mau-xoi-nguoi-muong-630754.html

Phutho247

PhuTho247 là Blog chia sẻ tin tức chọn lọc. Tất cả các bài viết đều được ghi rõ nguồn. PhuTho247 không chịu trách nhiệm về các bài viết trên PhuTho247.com

Bài viết liên quan

Back to top button