Đại diện Bộ Công an cho biết, thông qua hình thức đầu tư tài chính trên sàn RosyStyle, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt hơn 1.800 tỉ đồng.
Ngày 4-7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng”. Tại đây, Trung tá Triệu Mạnh Tùng – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an dẫn lại một số vụ việc nổi bật gần đây để minh chứng cho quy mô và mức độ tinh vi, liên biên giới của các vụ lừa đảo.
Nhóm lừa đảo rất chuyên nghiệp
Theo đó, tháng 7-2023, Cục A05 phối hợp Công an tỉnh Quảng Bình và các đơn vị nghiệp vụ triệt phá ổ nhóm sử dụng không gian mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thông qua hình thức đầu tư tài chính trên sàn RosyStyle, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt hơn 1.800 tỷ đồng.
Nhóm này là người gốc Trung Quốc, quốc tịch Malaysia cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam tổ chức, điều hành; Tang vật thu giữ gồm 390 thẻ ngân hàng, 103 điện thoại, 6 bộ máy tính, 200 sim điện thoại.
Tháng 2-2024, Công an tỉnh Nghệ An triệt phá ổ nhóm 32 đối tượng do Tăng Quảng Vinh, sinh năm 1989, trú tại phường 11, quận 5, TP.HCM đứng đầu. Vinh là một trong những đối tượng chủ mưu quản lý, điều hành, cấu kết với các đối tượng người Đài Loan tổ chức cho người Việt Nam tại Campuchia hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của hàng trăm bị hại trong nước.
Theo Trung tá Triệu Mạnh Tùng, việc lừa đảo trong ngành ngân hàng giờ đây đã trở thành một “nghề kiếm tiền” của nhiều đối tượng. Vì vậy, có lực lượng không nhỏ trong xã hội tham gia và coi đây như nghề nghiệp kiếm tiền, thậm chí rất nhiều tiền.
Các băng nhóm tội phạm lừa đảo trong ngành ngân hàng đã phân chia nhiệm vụ rất chuyên nghiệp. Đơn cử, một nhóm chuyên tìm kiếm “con mồi” (người già về hưu, người không rành sử dụng công nghệ, không nghề nghiệp nhưng có nhu cầu kiếm tiền,…); Nhóm mua gom các tài khoản ngân hàng hoặc chuyên lập tài khoản ngân hàng ảo; Nhóm chuyên nghĩ kịch bản, sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành công an, ngân hàng rất chuẩn; Nhóm xử lý dòng tiền,…
Kết quả điều tra của Bộ Công an cho thấy, nhóm đối tượng lừa đảo có hàng nghìn sim để chuyên xử lý dòng tiền lừa đảo. Các sim này đều tài khoản không chính chủ.
Theo đại diện Bộ Công an, với chính sách xuất nhập cảnh mở cửa như hiện nay, các đối tượng dịch chuyển ra nước ngoài, lừa đảo xuyên quốc gia vô cùng phổ biến nên truy dấu và bắt giữ đối tượng rất khó khăn.
Ngân hàng cần củng cố hệ thống bảo mật
Từ thực tế trên, Trung tá Triệu Mạnh Tùng đề xuất ngành ngân hàng cần triển khai thực hiện thật tốt quyết định 2345 (Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền). Đây là giải pháp cơ bản để loại bỏ tài khoản không chính chủ mà các đối tượng lừa đảo đang áp dụng.
Các ngân hàng tiếp tục công tác tuyên truyền cho khách hàng, bảo vệ khách hàng trên rất nhiều kênh, trước tiên là trên các ứng dụng điện tử;
Đồng thời gia tăng củng cố hệ thống công nghệ thông tin, triển khai phân tích bằng dữ liệu lớn (BigData) về phương thức sử dụng tài khoản của khách hàng của mình để nhận diện dữ liệu các khách hàng của mình.
Ví dụ, khách hàng đang có xu thế tiêu tiền như thế này nhưng lại có những đột biến thì lập tức có cảnh báo, tiếp xúc để ngăn chặn khách hàng bị lừa đảo.
Nguồn: https://plo.vn/bo-cong-an-thong-tin-vu-lua-dao-qua-mang-chiem-doat-hon-1800-ti-dong-post798809.html